Cho ý kiến vào Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự quan ngại về nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho.
Tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế hiện vào khoảng 2,8 triệu tỷ đồng. Theo ước tính của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, dư nợ của thị trường bất động sản và các ngành sản xuất liên quan đến lĩnh vực bất động sản như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị điện, nước… vào khoảng 1 triệu tỷ đồng. Số dư nợ này nếu không sớm có hướng tháo gỡ thì sẽ trở thành nợ xấu và hệ quả là nền kinh tế tiếp tục bị tác động nặng nề.
Mặc dù Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Tiến và Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu “đính chính”, dư nợ của thị trường bất động sản chỉ vào khoảng 5% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng (ước vào khoảng 140.000 tỷ đồng), nhưng Chủ tịch Quốc hội vẫn cho rằng, con số thực tế phải lớn hơn nhiều.
“Hàng chục ngàn căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kê xây xong để cỏ mọc do không bán được; hàng chục ngàn căn hộ chung cư, biệt thự, nhà liền kề dở dang nhưng không được tiếp tục xây dựng kéo theo một khối lượng khổng lồ hàng tồn kho của lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép… do không có đầu ra nên không có tiền để trả nợ ngân hàng hàng. Nếu cộng tất cả các lĩnh vực này vào thì dư nợ của lĩnh vực bất động sản nói chung vô cùng lớn”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhận định.
Hàng tồn kho của thị trường bất động sản bao nhiêu thì ngay cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không nắm chắc. “Ngành thống kê hiện chỉ thống kê hàng tồn kho đối với lĩnh khác chứ chưa có thống kê hàng tồn kho của lĩnh vực bất động sản nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nắm được”, ông Vinh giải thích và cũng khẳng định rằng: “Tồn kho của thị trường bất động sản chắc chắn là rất lớn”.
Cùng với quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chỉ nhìn hàng loạt công trình dang dở bị đắp chiếu, hàng loạt công trình đã hoàn thành ở các đô thị lớn không được đưa vào sử dụng do thị trường bất động sản “án binh bất động” sẽ thấy tồn kho trên thị trường bất động sản vô cùng lớn.
“Cần phải đưa ra các biện pháp, giải pháp để sớm xử lý một trong hai điểm nghẽn lớn nhất trong nền kinh tế hiện nay là giải quyết nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho nói chung, hàng tồn kho trên thị trường bất động sản nói riêng. Các giải pháp xử lý nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho phải cụ thể chứ không được chung chung theo kiểu: tập trung, tăng cường, đẩy mạnh, quyết tâm…”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo.
Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, thay vì dành nhiều thời lượng để đánh giá cao kết quả, thành tựu, ưu điểm… đạt được như mọi năm, trong Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Uỷ ban Kinh tế bày tỏ sự quan ngại trước dấu hiệu trì trệ của nền kinh tế.
Theo Uỷ ban Kinh tế, nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế; thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện trên thực tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét.
“Nhiều ý kiến nhận định, việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến (chỉ số CPI tháng 3 tăng 0,16%; tháng 4 tăng 0,05%; tháng 5 giảm 0,18%; tháng 6 giảm 0,26%) và tháng 7 giảm 0,29%), cùng với việc nhập siêu giảm liên tục cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh. Hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia”, ông Giàu cho biết ý kiến của đa phần thành viên Uỷ ban Kinh tế khi tiến hành thẩm tra Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012.
Vẫn theo ông Giàu, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt nhưng chưa định hình yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; cán cân thương mại có sự cải thiện đáng kể nhưng chủ yếu xuất phát từ sự khó khăn của khu vực sản xuất. Quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một số thời điểm đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến đời sống người dân.
“Cùng với phí dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng mạnh và đồng loạt tại nhiều địa phương; điều hành giá, quản lý chất lượng, quản lý việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu chưa tạo được niềm tin với dư luận về tính công khai, minh bạch khiến lòng tin của người dân vào chính sách điều hành kinh tế bị suy giảm”, ông Giàu phát biểu.